Các kinh tạng mô tả về Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát như thế nào?


Hôm nay tôi lại chia sẻ về những Pháp đã được học liên quan đến một vị Thánh, và tôi cho rằng: theo như Pháp mà tôi được học thì nương nhờ về vị ấy là điều phải làm, mong quý đạo hữu hoan hỷ cho ạ

 


- Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát xuất hiện cả trong Bắc Tông ( Đại thừa ), Nam Tông ( Tiểu thừa ), Mật Tông ( Kim cang thừa ). Tên nguyên bản tiếng Phạn của Bồ Tát là: अवलोकितेश्वर

- Nói vậy để thấy rằng: hết các Thừa Giáo đều có sự xuất hiện của Quán Thế Âm Bồ Tát, và đa phần đều tin là ngài có tồn tại. ( có một số vị Thánh khác ( Phật, Bồ Tát khác ) mà một số Thừa Giáo, Tông, Phái không tin là các ngài tồn tại và cho là mê tín ).

- Theo Pháp thì một vị Phật ( gọi đủ là Phật Đà, đủ nhất là Tam Miệu Tam Phật Đà ) có Tam thân là: Pháp Thân ( thân chứng đặng Phật quả ) và hai thân còn lại là Ứng Thân, Hoá Thân ( có tài liệu nói là Ứng Thân, Báo Thân ). Hai thân này là tùy vào căn cơ của chúng sanh mà biến hiện ra để hoá độ.

- Theo Kinh Pháp Hoa và Kinh Đại Bi Tâm, thì Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát hoá độ chúng sanh ở hình thức Ứng Thân, Bồ Tát thực chất là một vị Cổ Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. ( Đa phần các Bồ Tát như Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Địa Tạng, Dược Vương, Diệu Âm... đều là các vị Cổ Phật Ứng Thân ).

- Kinh Đại Bi Tâm dạy thế này, tôi xin trích ra để quý đạo hữu cùng tham khảo.

🌺 " Này thiện nam tử! Quán Thế Âm Bồ Tát thần thông oai lực không thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp về trước từng thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. "

🌺 " Vì nguyện lực đại bi, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ Tát, vì muốn an vui thành thục cho chúng sanh, ngài mới giáng tích hiện làm Bồ Tát. "

🌺 " Vậy ông và đại chúng, các hàng Bồ Tát, Ma Ha Tát ( Đại Bồ Tát ), Phạm Vương ( vua Trời Sắc ), Đế Thích ( vua Trời Dục ), Long, Thần đều nên cung kính, chớ sanh lòng khinh mạn, xem thường. "

- Tuy các ngài là Bồ Tát nhưng Bổn Pháp Tánh các ngài là Phật đà, thì nương nhờ về các vị như là: niệm, xưng tán, lễ lạy, cúng dường ... thì cũng như một vị Phật Đà không khác ( lần chia sẻ trước tôi cũng có nói ).

🍀🍀Lý do mà tôi nói là phải nương nhờ về Quán Thế Âm Bồ Tát là như vầy: nếu là một hành giả tin nhận Đại Thừa, không chấp Pháp, thì chắc ai cũng tin " Kinh Diệu Pháp Liên Hoa " là vua của Kinh Pháp, chính Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dạy trong Kinh như vậy.

- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ( gọi vắng là Pháp Hoa ) có 28 phẩm, trong ấy Phẩm thứ 25 nói về Quán Thế Âm Bồ Tát, và Phật luôn nhấn mạnh rằng: chúng sanh phải nương nhờ về Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi xin trích ra những đoạn trong Kinh Pháp Hoa để quý đạo hữu tham khảo.

🌺 " Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có những sức oai thần lớn, nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng sanh thường phải một lòng tưởng nhớ. "

🌺 " Nếu có chúng sanh cung kính lễ lạy Quán Thế Âm Bồ Tát, thì phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh đều phải thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. "

- Trong Kinh Pháp Hoa, Phật Bổn Sư dặn dò rất nhiều lần rằng chúng sanh phải nên nương nhờ về Bồ Tát Quán Thế Âm bằng cách: thọ, trì, xưng niệm đến danh hiệu của Bồ Tát hoặc hình tượng của Bồ Tát, cùng với cúng dường, đảnh lễ, ngợi khen Bồ Tát ...

🍀🍀Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có dạy rằng: chỉ cần có khổ, nương nhờ về Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ đặng thoát khổ.

🌺 " Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát. " - Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm thứ 25 -

🍀🍀Kinh Lăng Nghiêm có dạy rằng: nương nhờ về Quán Thế Âm Bồ Tát thì muốn cầu mong gì cũng đều được mãn nguyện.

🌺 " Ai cầu vợ thì được vợ, cầu con được con, cầu tam muội được tam muội, cầu sống lâu được sống lâu. Như thế cho đến cầu Đại niết bàn ( thành Phật ) liền được Đại niết bàn. " - Kinh Lăng Nghiêm - Quyển 6 -

🍀🍀Kinh Đại Bi Tâm có dạy rằng: nương nhờ về Bồ Tát Quán Thế Âm được vô lượng phước, diệt vô tội.

🌺 " Nếu tất cả hàng trời, người thường xưng niệm, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, sẽ được vô lượng phước diệt vô lượng tội , mạng chung sanh về cõi nước của Phật A Di Đà. " ( Theo như lời dạy tổng thể trong Kinh Pháp Hoa thì muốn sanh về cõi Phật nào cũng được, không riêng gì cõi của Phật A Di Đà )

🍀🍀Kinh Địa Tạng có dạy rằng: nương nhờ về Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ được hưởng sự vui thù thắng vi diệu.

🌺 " Phật bảo Quán Thế Âm Bồ Tát: Ông có đại nhân duyên với thế giới Ta Bà. Nếu hàng trời, hoặc rồng, hoặc nam, hoặc nữ, hoặc thần, hoặc quỷ, cho đến các chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà nghe danh hiệu ông, thấy hình tượng ông, mến tưởng ông, tán thán ông, thì những chúng sanh ấy đều quyết sẽ không thoái chuyển nơi Đạo vô thượng. Họ sẽ luôn sanh vào cõi trời hay nhân gian để thọ hưởng đủ mọi điều an vui vi diệu. " - Kinh Địa Tạng - Phẩm thứ 12 -

🍀🍀Còn rất nhiều bộ Kinh khác dạy về lợi ích khi nương nhờ về Quán Thế Âm Bồ Tát, trong đó có Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương với Tâm Chú Om Mani Padme Hum hay cả Kinh Đại Thừa Vô Lượng thọ cũng có dạy về sự cứu khổ ban vui của Quán Thế Âm ... nhiều bộ Kinh lắm.

- Xét ra thì nương nhờ về Quán Thế Âm Bồ Tát cũng đặng lợi lạc y như Đại Bi Chú không khác, nhưng chắc là sẽ ít hơn, thí như trì Đại Bi Chú 1 lần được 1 vạn lợi ích thì trì hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát một lần sẽ được 10 lợi ích, thì 1000 lần cũng thành 1 vạn. " Tích tiểu thành đại ".

- Mà mặt khác thì trong Kinh Đại Bi Tâm là Bổn Kinh của Đại Bi Chú có dạy: nếu thọ trì đọc tụng Đại Bi Chú thì phải nên thường xuyên niệm danh hiệu của ngài.

🍀🍀Một vị Bồ Tát có dư khả năng cứu khổ, ban vui, thoả nguyện điều mong cầu của chúng sanh, kể cả mong cầu nhanh chóng tu thành Phật còn được nữa ... thì còn cần thêm điều gì nữa mà không chịu nương về Bồ Tát.

- Kinh Lăng Nghiêm - Quyển 6 dạy rõ: chúng sanh nương nhờ về Bồ Tát Quán Thế Âm, muốn mong cầu điều gì, thì bằng cách này hoặc cách khác, hoặc hữu hình hay trong vô hình, ngài sẽ chỉ cho, dẫn đi, dạy cho mình thực hành lần lần cho đến khi mình đạt được điều mà mình luôn mong cầu.

🍀🍀Tôi có đôi lời chia sẽ như vậy, có gì mong quý đạo hữu chỉ bảo cho 🙏