Tại sao yêu chỉ nên là yêu, đừng nên kỳ vọng


Những quan niệm về tình yêu thông thường đầy rẫy những kỳ vọng về sự “có đi có lại” mà thực chỉ đem đến cho chúng ta rắc rối và bất an.

Những quan niệm về tình yêu thông thường đầy rẫy những kỳ vọng về sự “có đi có lại” mà thực chỉ đem đến cho chúng ta rắc rối và bất an. Riêng tôi biết rất rõ điều này, bởi mỗi khi tôi trao gửi tình yêu một cách “vô tư” thì nó chẳng hề được đáp lại bằng cái gì đấy mang tính có đi có lại, và rồi trong tôi lại nảy sinh lòng oán giận.

Điều này đặc biệt đúng với những mối quan hệ tình cảm mà tôi từng trải qua. Tôi muốn những người trong các mối quan hệ này phải đền đáp lại tình yêu mà tôi đã dành cho họ. Tôi kỳ vọng họ phải làm thế. Nhưng, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra, tình yêu có xu hướng lan tỏa, chứ không phải ngày càng thu hẹp.

Chẳng hạn, tôi từng có một người bạn trai; mặc dù có vẻ thật lòng thích dành thời gian ở bên tôi, nhưng anh ta không thực sự coi mối quan hệ của chúng tôi là một ưu tiên trong đời. Anh chàng này nhìn chung là một người khá ung dung, thư thả và vì thế tôi không để ý đến sự e ngại của anh, cố gắng tỏ ra kiên nhẫn, và nghĩ rằng cuối cùng chuyện chúng tôi cũng sẽ biến chuyển.

Điều trở nên rõ ràng hơn sau bốn năm ròng đó là sư kiên nhẫn của tôi thực chất chỉ che đậy cho vô số những kỳ vọng tôi đặt ra về việc anh ta sẽ hồi đáp, mà giờ đây đã trở nên thất vọng. Và cuối cùng tôi cảm thấy tức giận và bị phản bội.

Nhưng câu hỏi là, bởi ai?

Một thời gian sau, khi đó tôi mới có thể nhìn lại quá khứ với chút khách quan, và rõ ràng là tôi đã dấn thân vào một mối quan hệ với những kỳ vọng điển hình: kỳ vọng rằng sẽ được chú ý, kỳ vọng về thời gian, về sự thoải mái, và về tình cảm – nói cách khác, một kế hoạch.

Ý tôi không phải là việc muốn được yêu thương là sai trái. Tất nhiên không có gì là sai cả. Đó là mong muốn lành mạnh và tự nhiên.

Tất cả mọi người đều xứng đáng có được tình yêu thương từ nửa kia của mình, và nên cẩn trọng để có thể chọn được người mà dành cho bạn thật nhiều tình cảm, cũng như thực sự quan tâm đến bạn.

Nhưng mong muốn được yêu thương, khi bị thúc đẩy bởi những kế hoạch hay những cảm xúc cô đơn, đơn độc ẩn sâu bên dưới, có thể sẽ rất phiền toái, bởi vì chúng sẽ biến mối quan hệ trở thành một kiểu như “Có đi có lại cho toại lòng nhau”. Tình yêu không có tính giao kèo như thế.

Đó là tính chất của hành động thương lượng, và đáng buồn thay lại chính là nền tảng yếu ớt mà mối quan hệ thỏa hiệp của tôi dựa trên, và từ đó cũng xấu đi. Anh ta không hề đầu tư chút nào vào mối quan hệ trong khi tận dụng triệt để những cái lợi từ nó, còn tôi không phân biệt được đâu là ranh giới rõ ràng; tôi chấp nhận bị lợi dụng chứ không phải là được yêu thương.

Sự thật là tôi chưa thực sự chú ý tới nhu cầu bản thân. Theo một nghĩa nào đó, tôi đã thờ ơ và phản bội chính bản thân mình, và tôi cần có trách nhiệm lớn hơn đối với hạnh phúc của chính tôi.

Chính vì thế, tôi bắt đầu công cuộc xác định rõ ý thức về sự thỏa mãn và hài lòng trong nội tâm mình mà tôi luôn mong ước nhưng chưa có được. Tôi đọc sách, tạp chí, xem phim và ghi chú lại những gì đồng điệu và không đồng điệu với tôi – những gì khuấy động lòng nhiệt huyết trong tôi, những gì có ý nghĩa.

Tôi trở nên hiếu kỳ hơn về đời sống nội tâm của mình. Về bản chất, đây chính là một hành động chứa đựng tình yêu.

Về sau tôi bắt đầu thường xuyên luyện tập viết nhật ký và ngồi thiền. Tôi là một tín đồ lớn đối với những bộ môn nghệ thuật trầm tĩnh trong đó với tôi bao gồm những môn như hội họa, chạy bộ, bơi lội, đan lát – gần như bất cứ thứ gì giúp bạn đạt tới trạng thái trầm tĩnh, yên bình. Đối với tôi điều này là bước ngoặt lớn.

Tôi đã học được từ những bài học trong quá khứ rằng một tình yêu mạnh mẽ nhiều khả năng sẽ nảy sinh giữa những người mà cá nhân họ đã trở nên đủ chín chắn. Và đó luôn luôn là một công trình còn đang hoàn thiện.

Tình yêu chẳng bao giờ hoàn thiện, cũng giống như cuộc sống luôn tiếp diễn và bản thân nó luôn thay hình đổi dạng.

Thế nên, việc yêu để làm sao cho người ta yêu cảm thấy tự do vừa đơn giản, dễ hiểu mà cũng vừa phức tạp, lan man.

Chúng ta cũng cần rèn luyện bản thân để trở thành tình yêu mà chính ta mong muốn được thấy trên thế giới này, và điều đó đòi hỏi một ý thức vững chắc về tôn trọng bản thân, người ta yêu thương, và cả nhân loại - dù không hoàn hảo, vô cùng nhạy cảm và phức tạp mà chúng ta cùng ở trong đó.

Để làm được như thế cũng cần con người ta phải mắc lỗi lầm, rồi phải bù đắp, và cố gắng thu xếp các vấn đề càng ngày càng khéo léo và thông minh hơn. Đó còn chưa kể đến lòng vị tha.

Dưới đây là một câu trích dẫn rất đẹp bởi Rumi mà tôi cho là thực sự đã đi tới gốc rễ của vấn đề.

Và rốt cuộc thì, sau ngần ấy thời gian, Mặt Trời chưa bao giờ nói với Trái Đất rằng

“Bạn nợ tôi”.

Hãy nhìn điều gì xảy ra với một tình yêu như thế.

Nó đã thắp sáng cả bầu trời.

JALAL AD-DIN MUHAMMAD RUMI

Qua đó muốn nói rằng, chính ta cần phải là tình yêu. Cuối cùng tất cả chỉ có thế - đơn giản, nhưng không dễ dàng, giống như hầu hết những thứ đáng để con người ta cố gắng phấn đấu cả một đời. Và sau đó tình yêu được hồi đáp bởi người khác có thể coi như là một món quà, vì bản chất của tình yêu là như thế.

Tình yêu rốt cuộc cũng chính là phần thưởng dành cho chính nó. Hào phóng. Lan tỏa. Bao quát. Rộng mở. Và làm cho con người ta cảm thấy tự do.

Hãy yêu đẹp, sống đẹp!

Nguồn: Tiny Buddha

Dịch: N.Đ.Thịnh