Tính lười và những điều bạn cần suy nghĩ


LƯỜI là một hiện tượng TÂM LINH cần được nhận biết, tôn trọng và bảo vệ. Thật mà! Người lười

TÍNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI-LƯỜI

LƯỜI là một hiện tượng TÂM LINH cần được nhận biết, tôn trọng và bảo vệ. Thật mà!

Người lười có thể không cứu được thế giới đâu, nhưng người lười nhất định sẽ không góp phần phá huỷ thế giới này.

Thế giới có thể không được xây dựng bởi người lười nhưng thế giới đã bị phá huỷ bao nhiêu lần bởi những người ham hành động và hành động một cách vô nhận biết: Thành Cát Tuw Hãn, Hít.lơ, Mao… => những người chăm chỉ đòi cải tiến thế giới.

Lười trong nhận thức và tỉnh táo thì tốt hơn nhiều so với chăm chỉ trong vô nhận biết. Nhận biết là chìa khoá cốt lõi. Có nó trước đã thế thì bất kể bạn lười hay chăm – đều tốt cả. 

Còn khi bạn chưa có đủ tỉnh táo và nhận biết thì chăm chỉ của bạn sẽ rất có hại.

Và đây là những sự thật về người lười mà có thể bạn chưa biết:
Lười giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng sống cho những việc quan trọng hơn, như là…. lười một cách sâu sắc hơn.

Nếu biết lười biếng một cách đúng đắn, bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn đột nhiên dễ dàng hơn (ít nhất) một nửa so với thông thường.

Lười biếng giúp bạn sáng tạo hơn trong việc nghĩ ra các phương cách giúp cuộc sống đơn giản hơn vì bạn không muốn lãng phí sức lực quá nhiều cho những việc thông thường.

Lười biếng giúp bạn sống thuận tự nhiên, gần gũi với tự nhiên hơn.

Lười biếng giúp bạn bớt chõ mũi vào chuyện thiên hạ, chuyện thế giới, chuyện của người khác => ghét luôn việc bất cứ ai chõ mũi vào cuộc sống của bạn và nhờ đó mà bạn trở nên ít phán xét, ghanh đua, thèm muốn nhưng nhiều độc lập, tự do, hạnh phúc hơn.

Lười biếng cho thấy bạn là người chủ của cuộc sống của bạn, không phải nô lệ.

Nhưng nhớ nha, phải lười “đúng” nha, CHÁNH-LƯỜI nha, như là chánh-kiến, chánh-đạo zậy đó.

Vậy thế nào là lười đúng hay CHÁNH-LƯỜI?
– Bạn làm chủ cái lười của bạn, không phải là nô lệ. Khi nó là một sự lựa chọn, không phải thói quen. Bạn lười vì bạn *có-thể*, không phải vì không-thể.

Ví dụ tôi lười viết - vì tôi có thể viết nhưng đơn giản là không muốn viết. Người khác lười viết vì họ không thể viết, không biết viết gì, không có gì để viết. Hai cái lười này khác nhau.

Hoặc bạn lười dọn dẹp nhà cửa nhưng nhà bạn luôn sạch sẽ vì bạn sống sạch sẽ (lười bày bừa) trong khi ai đó khác có thể cũng lười dọn dẹp nhưng nhà họ lại dơ hầy. Hai cái này cũng khác nhau.

Cái lười của người chủ động và bị động là rất khác nhau. 

Để biến sự lười bình thường thành lười tâm linh, bạn phải là người chủ, chủ ngay cả sự lười của bạn. Khi bạn muốn chấm dứt lười, nó chấm dứt – chứ không phải ngược lại: sự lười chấm dứt bạn.

– Hai là sự lười của bạn phải KHÔNG ảnh hưởng và gây áp lực cho bất cứ ai, dù là người lạ hay người quen. Bạn lười và bạn chịu trách nhiệm toàn bộ cho nó. 

Ví dụ lười làm việc thì kiếm tiền ít và khi kiếm tiền ít thì hãy học cách sống thoải mái với thu nhập ít của mình, chứ đừng vì lười biếng không làm ra tiền rồi vẫn phung phí sang chảnh và bắt cha mẹ, vợ chồng, con cái… phải nuôi bạn hay chu cấp cho bạn. 

Bạn lười dọn dẹp cũng được nhưng đừng để ai phải dọn dẹp đống rác của bạn. Bạn lười làm việc cũng được nhưng đừng để đồng nghiệp phải làm thay việc của bạn… Cho nên để có quyền được lười một cách đường hoàng chính chính, sống một mình là tuyệt nhất, làm tự do là tốt nhất hì hì cái này kinh nghiệm cá nhận thôi. 

Sống với người khác thì kiểu gì sự lười của bạn cũng gây ngứa mắt cho họ, đặc biệt những người ưa hoạt động. Lười biếng luôn là một sự ngứa mắt khủng khiếp và trong mắt bất cứ ai thì mọi người khác đều là những kẻ lười :)))

– Điều quan trọng nhất của Chánh-Lười mà không có điều này thì sự lười của bạn không phải là tâm linh mà chỉ là tâm-thần-phân-liệt. Điều ấy là: Lười và Chấp nhận sự lười với toàn bộ bản thể của bạn. Chấp nhận nó với sự hiểu biết, tỉnh táo và lòng biết ơn.
Ủa, nghĩa là sao?

Nghĩa là: nếu bạn lười, bạn chấp nhận nó, bạn không cần ai khác chấp nhận nó và đồng thời bạn không có một chút xíu sự khó chịu, thất vọng nào về bản thân, không “ước gì”, giá như, hay là…

Nói tóm lại là lười 100% cả bản thể của bạn: không chỉ không hành động: không nghe, không nói, không nhìn mà phải không cả suy nghĩ… Lười tới mức không bận tâm về chuyện đang xảy ra trên thế giới, không bận tâm sự tồn tại xung quanh và không bận tâm cả về sự tồn tại của chính mình. Mình tồn tại để làm gì, mục đích sống của mình là gì, sứ mệnh của mình là gì, mình là ai…

Khi bạn có thể lười đến độ không thèm suy nghĩ về bất cứ gì, không phán xét, không ham muốn, không thèm khát, không tưởng tượng…

Lười tới mức không để bản thân la cà dù chỉ một khoảnh khắc ở trong quá khứ hay trong tương lai.

Lười tới mức chỉ ở duy nhất trong khoảnh khắc hiện tại, không làm gì, không mơ mộng gì, không thèm khát gì, không thấy thiếu thốn gì, không có bất cứ nhu cầu gì, chỉ chấp nhận và hạnh phúc với việc hiện hữu của mình.

Nhiều người lười nhưng thâm tâm vẫn ao ước, thế thì đây không phải Chánh-lười nha. Kiểu như: mình lười vận động nhưng ước gì vẫn có cơ thể sexy quyến rũ cơ bắp cuồn cuộn… Mình lười hiểu người khác nhưng vẫn mong mọi người hiểu ý mình. Mình lười làm việc nhưng vẫn ước ao tiền về nhiều nhiều tự động. Mình lười tranh đấu nhưng vẫn ao ước thắng cuộc… Đây là những cái lười rất thường thấy và tất nhiên, cái lười này chẳng mang chút hương vị tâm linh nào cả. Nó rất thường.

Chỉ khi bạn lười, bạn thấy nó, bạn nhận biết nó, chấp nhận nó toàn bộ, nhìn cách nó vận hành, hiểu nó và vượt trên cả nó – thì mới được coi là Chánh-lười nhá. Vượt trên sự lười là gì? Là bạn có dư năng lượng để làm, nhưng không làm. Chứ không phải là lười vì không có năng lượng.

Và những khoảnh khắc lười-tràn-đầy-năng-lượng này sẽ mở cho bạn một cánh cửa vào một thế giới mới. Thế giới mà mình tạm gọi là thế giới tâm linh vì cũng chẳng biết gọi là gì cơ.

Lười biếng giống như là một hành động trung gian, nó cho thấy bản thể của bạn đang khao khát tích trữ năng lượng cho một cái gì đó nó chưa nhận thức được. 

Nếu bạn lười-đúng, năng lượng của bạn được tích trữ nhiều vô cùng. Thay vì người ưa hoạt động sẽ đổ năng lượng của mình ra khắp xung quanh thì người lười-đúng được đổ tràn năng lượng khắp bản thể bên trong của họ. Lười chỉ có tác dụng tiết kiệm và tích trữ năng lượng thôi nha, còn dùng năng lượng ấy vào đâu thì lại là chuyện khác.

Nếu được dùng đúng, năng lượng này sẽ giúp bạn mở ra thế giới mới: thế giới của lười biếng tối thượng, nơi mà cho ý kiến về cái gì đó, nói về cái gì đó, viết ra cái gì đó hay thậm chí suy nghĩ về bất cứ chuyện gì cũng khiến bạn cảm thấy… thôi chả muốn làm.

Nhớ nha, chánh-lười, chánh-lười

Lười = không còn tham-công-tiếc-việc, bất cứ việc gì. Và tham-công-tiếc-việc là bệnh ung thư của tâm trí, nó không bao giờ cho phép bạn nghỉ ngơi và thảnh thơi. 

Nói gọn lại, chánh-lười là bậc thang quan trọng trước khi bạn có thể... ngồi im không làm gì, đợi cho đông qua xuân tới và cỏ sẽ tự nó mọc lên!"

Viết có tí mà mệt hết cả người :(((

Phi Tuyết 2020