Lạc Việt vốn không phải là khái niệm chỉ duy nhất ở Việt Nam


Phần lớn người Việt nghĩ rằng tổ tiên người Việt chỉ là người Lạc Việt, nhưng điều này không đúng, vì Lạc Việt vốn không phải là khái niệm chỉ duy nhất ở Việt Nam, mà là một khái niệm trải rộng từ vùng Dương Tử về Việt Nam.

Lạc Việt không phải là "một trong những nhóm Bách Việt" và cũng không phải là khái niệm chỉ duy nhất người Việt ở Việt Nam

Phần lớn người Việt nghĩ rằng tổ tiên người Việt chỉ là người Lạc Việt, nhưng điều này không đúng, vì Lạc Việt vốn không phải là khái niệm chỉ duy nhất ở Việt Nam, mà là một khái niệm trải rộng từ vùng Dương Tử về Việt Nam. 

Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”. 

Giao Chỉ là một khái niệm lớn, ở thời Chu ứng với Lạc Việt, có nghĩa Lạc Việt lúc này là một khái niệm chỉ một vùng đất rộng lớn tương ứng với khái niệm Giao Chỉ chứ không chỉ ở Việt Nam. Trong các ghi chép khác, thì Lạc Việt có một địa bàn phân bố rất rộng từ Hồ Bắc tới vùng Quảng Đông, Quảng Tây, miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam. 

Hồ Bắc, vùng đất thuộc phía Bắc của hồ Động Đình ở vùng trung lưu sông Dương Tử, được biết tới là đất Tổ của người Việt, là nơi có người Lạc Việt sinh sống. 

Hậu Hán Thư chép: “十一年將兵至中盧屯駱越是時公孫述將田戎任滿與征南大將軍岑彭相拒於荆門彭等戰數不利越人謀畔從蜀宫兵少力不能制㑹屬縣送委輸車數百乗至宫夜使鋸斷城門限令車聲回轉出入至旦越人候伺者聞車聲不絶而門限斷相告以漢兵大至其渠帥乃奉牛酒以勞軍營宫陳兵大㑹擊牛釃酒饗賜慰納之越人由是遂安” –“Năm thứ 11 (đời Hán Quang Võ, tức năm 35, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng 5 năm) Tang Cung đem binh đến huyện Trung Lư (sau là huyện Nam Chương thủ phủ là Tương-Phàn Thị tức Tương Dương và Phàn Thành), đóng đồn (trên đất cư trú của người) Lạc Việt. Lúc đó Công Tôn Thuật (thế lực cát cứ đang chiếm đất Thục) sai tướng Điền Nhung, Nhiệm Mãn ra cự địch với Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành ở Kinh môn, Bành nhiều lần đánh mà không thắng (sau Bành bị quân thích khách của Thục giết!), người Việt do đó muốn làm phản theo Thục, Cung binh ít, không đủ lực lượng khống chế.” (Bản dịch của Phan Anh Dũng)

Quảng Đông, Quảng Tây, hai vùng đất gần gũi nhất về mặt địa lý với miền Bắc Việt Nam cũng như vậy, là nơi sinh sống của người Lạc Việt.

Sách Thông Điển của Đỗ Hựu đời Đường, chương Cổ Nam Việt cũng có nhắc tới Tây Âu (Quảng Tây) là đất của người Lạc Việt. “古西甌、駱越之地” – “Cổ Tây Âu, Lạc Việt chi địa”, tạm dịch: “Cổ Tây Âu là đất của Lạc Việt”. Một đoạn trích khác cũng có ý nghĩa tương tự: “西甌即駱越也” “Tây Âu cũng là Lạc Việt”.

Cựu đường thư – Địa lí chí chép về huyện Mậu Danh thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay: “潘州茂名州所治。古西甌、駱越地,秦屬桂林郡,漢為合浦郡之地。” – “Huyện Mậu Danh của châu Phan là sở trị của châu. Là đất của người Tây Âu, Lạc Việt thời xưa. Thời Tần thuộc quận Quế Lâm, thời nhà Hán là đất của quận Hợp Phố.” [Bản dịch của Tích Dã]

Ở Việt Nam (cả ở Giao Chỉ, Cửu Chân) thì rất rõ rằng là nơi sinh sống của người Lạc Việt. 

Hậu Hán thư – Mã Viện liệt truyện: “援好騎善別名馬於交阯得駱越銅鼓乃鑄為馬式裴氏廣州記曰.: – “Viện ham cưỡi ngựa, giỏi biết ngựa tốt, khi ở quận Giao Chỉ có lấy được trống đồng của người Lạc Việt bèn đúc thành hình ngựa.” [Bản dịch của Tích Dã]

Hậu Hán thư, phần Mã Viện truyện chép: “條奏越律與漢律駮者十餘事,與越人申明舊制以約束之,自後駱越奉行馬將軍故事。” – “Tấu kể luật của người Việt khác với luật của người Hán đến hơn mười điều, liền nêu rõ phép tắc cũ với người Việt để gò buộc họ, từ đó về sau người Lạc Việt làm theo phép cũ của Mã tướng quân”.

Hậu Hán Thư, phần Nhâm Diên truyện chép: “九真俗以射獵為業,不知牛耕。民常告糴交阯,每致困乏。延乃令鑄作田器,敎之墾闢。田疇歲歲開廣,百姓充給。又駱越之民無嫁娶禮法,各因淫好,無適對匹,適音丁歷反。” – “Tục người quận Cửu Chân làm nghề săn bắn, không biết cày ruộng bằng sức bò, người dân thường phải mua gạo ở quận Giao Chỉ, luôn bị thiếu thốn. Diên bèn sai đúc rèn đồ làm ruộng, dạy dân cách cày xới. Ruộng đất mỗi năm lại thêm rộng, trăm họ no đủ. Lại nữa người Lạc Việt không có lễ cưới gả, đều nhân đó mà dâm dật, không kết thành đôi lứa, không biết đến tình cha con, đạo của vợ chồng.” [Bản dịch của Tích Dã]

Do đó, nói người Việt CHỈ có tổ tiên là người Lạc Việt là hoàn toàn không đúng, vì người Lạc Việt cũng chính là người Bách Việt hay người Việt, đều cùng một chủng người, cùng một dân tộc (dưới cái tên Việt). Nói rằng người Việt có tổ tiên là sự kết hợp giữa Lạc Việt và Âu Việt cũng không chính xác, Lạc Việt không phải chỉ ở Việt Nam, và Âu Việt cũng không phải người Quảng Tây của An Dương Vương, mà Âu Việt là tên gọi chỉ những người Việt ở Chiết Giang [1], cư dân ở Quảng Tây được gọi Tây Âu, như trong Thông Điển đã nói: “古西甌、駱越之地” – “Cổ Tây Âu, Lạc Việt chi địa”, tạm dịch: “Cổ Tây Âu là đất của Lạc Việt", vậy thì Tây Âu cũng chính là Lạc Việt. 

Về phục nguyên ngôn ngữ học, Lạc có gốc là *C.rak, rất gần với Bách *brak, đây là từ chỉ tộc người được các dân tộc Austroasiatic lưu giữ, như *prɔːk “tên của người Wa” và rɔːk, “một phân nhóm Khơ Mú”. [2]. Từ Việt 戉 (biểu tượng chiếc rìu) có gốc là *wat tương ứng với các ngôn ngữ Austroasiatic: Proto-Wa *wac ‘dao, lưỡi liềm, kiếm’, Old Mon rwas /rwɔs/ ‘vũ khí’, và trong một số ngôn ngữ Austronesian: wasi ‘sắt, rìu’. [3] Dựa trên bằng chứng này cũng như những bằng chứng về ngôn ngữ khác [4], thì nhiều khả năng Lạc Việt- Bách Việt là một cộng đồng nói ngôn ngữ Austroasiatic, từ Việt 戉 là một từ gốc Austroasiatic. 

Nên Lạc Việt hay Bách Việt chính là những cái tên được người Hoa Hạ kỳ âm bằng chữ Hán theo cách đọc của người Việt, đây có thể hiểu là tộc người sử dụng rìu làm biểu tượng quyền lực, hay Lạc Việt, Bách Việt cũng phần nào đó có thể hiểu là "người Việt". 

Do đó, với những bằng chứng đã được đưa ra, việc nói Lạc Việt là một "bộ tộc thuộc Bách Việt", là tổ tiên duy nhất của người Việt hoàn toàn không chính xác, Lạc Việt là một khái niệm phân bố trên một địa bàn rất rộng từ vùng Dương Tử Việt Nam, tương ứng với vùng phân bố của khái niệm Bách Việt, hai khái niệm này đồng nguyên cả về ngữ liệu ngôn ngữ học, đều là các từ có gốc Austroasiatic được người Hoa Hạ ký âm bằng chữ Hán để chép lại cách tự nhận của người Việt phía Nam sông Dương Tử. Người Việt có tổ tiên là người Lạc Việt hay Bách Việt, tức là có nguồn gốc chung với toàn bộ cư dân vùng phía Nam Dương Tử, không phải chỉ được hình thành từ 1-2 nhóm "Bách Việt" (được suy diễn thành 100 Việt) như nhiều người vẫn mặc định. 

Tài liệu tham khảo: 

[1] https://luocsutocviet.com/2021/03/13/510-tim-hieu-ve-cac-khai-niem-dong-au-au-viet-va-tay-au/

[2] https://shs.hal.science/halshs-01182596/document

[3] Schuessler, A. (2007). ABC etymological dictionary of old Chinese. University of Hawai’i Press.

[4] https://core.ac.uk/download/pdf/38065189.pdf

Mọi người có thể tìm hiểu thêm trong các bài viết: 

https://luocsutocviet.com/2021/10/21/565-lich-su-hinh-thanh-va-tan-ra-cua-cong-dong-toc-viet/

https://luocsutocviet.com/2021/07/26/548-tim-hieu-ve-lich-su-cua-nguoi-lac-viet/

Minh họa: rìu đồng Đông Sơn, nguồn: Galerie Hioco.