Giáo lý 41: Thiên bộ, Đại Hắc Thiên


Thiên bộ, Đại Hắc Thiên

Giáo lý 41: Thiên bộ, Đại Hắc Thiên

1. Đại Hắc Thiên

Tên tiếng Phạn là Mahakala, dịch âm là Ma Kha Già La, vốn là chiến thần trong thần thoại Ấn Độ cổ, sau này được Long Thụ Bồ Tát thu nạp làm thần canh giữ chùa viện Phật giáo. Tương truyền, khi Long Thụ Bồ Tát tản bộ bên bờ sông Hằng phát hiện Đại Hắc Thiên trôi trên mặt nước, liền sau đó đem về chùa Na Lạn Đà, và thu nạp trở thành thần Hộ pháp. Đến thế kỷ 11, nhà dịch kinh vĩ đại nhất Tây Tạng là Nhân Khâm Tang Bố đem Đại Hắc Thiên truyền vào Tây Tạng. Cuối cùng phát triển truyền đến khu vực Mông Cổ và Nepal, ngài uy danh vang xa, niên đại và khu vực chịu ảnh hưởng càng sâu rộng, dần trở thành Hộ pháp quan trọng nhất của Tây Tạng.

2. Hình tượng

Trong thuyết pháp của Hiển tông và Mật tông khác nhau, Mật tông cho rằng, ngài là hóa thân của Đại Nhật Như Lai vì hàng phục ác ma mà thị hiện thống lĩnh Dạ xoa bộ; còn trong "Đại Nhật kinh sớ" cho rằng ngài là báo thân viên mãn của Phật Tỳ Lô Giá Na, vì hàng phục ngoại đạo mà thị hiện thân biến hóa với hiện tướng phẫn nộ.
Đại Hắc Thiên có nhiều hình tướng hóa thân khác nhau. Tương truyền, có 72 hoặc 75 loại hình tướng, thường xuất hiện với hình tướng 2 tay, 4 tay, 6 tay, sắc thân màu đen hoặc trắng,...
Thông thường chia thành hai loại: Một loại là bản tôn phẫn nộ, 3 đầu 6 tay, sắc thân màu đen, ngồi trên tấm đệm tròn, phát nộ thẳng lên trên, tay thứ nhất bên phải cầm đao yển nguyệt, tay thứ hai cầm niệm châu xương người, tay thứ 3 cầm trống; tay thứ nhất bên trái cầm bát Ca ba lạp, tay thứ hai cầm kích ba ngạnh, tay thứ ba cầm dây thừng kim cương; hai tay trên cầm căng một tấm da voi. Loại thứ hai là hình người phàm trần, đội mũ tròn, cõng một cái bị, tay cầm một cái dùi nhỏ, đạp lên túi gạo. Khi tu pháp, tướng phẫn nộ phần nhiều dùng khi hàng phục ma pháp, hình dạng người phàm dùng khi cầu phúc đức.

3. Hóa thân

Đại Hắc Thiên là thần Hộ pháp đứng đầu trong Phật giáo Tây Tạng,  ngài có nhiều hóa thân, mỗi hình tượng có địa vị khác nhau trong các tông phái. Đại Hắc Thiên 6 tay, vốn là đại ác ma trong Ấn Độ giáo, được Quán Âm Bồ Tát nhập vào thần thức, thu phục ngài trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo. Vì vậy, ngài cũng được coi là hóa thân của Quán Âm Bồ Tát với sắc thân màu trắng, bình thường thị giả bên cạnh Quán Âm Bồ Tát, có 4 loại pháp sự nghiệp là tức, tăng, hoài, chu. Ngài tuy có 6 tay nhưng chỉ có 2 chân, do đó trong nhiều tác phẩm nghệ thuật tay bên phải cong, bên trái duỗi, chân đạp lên một con voi trắng nằm ngửa, tay trái cầm bát đựng đầu lâu, tay phải cầm củ cải. Voi trắng là vua của loài voi, tượng trưng cho thân tài Đại Thánh Hoan Hỷ Thiên vô cùng hung bạo, sau này bị Đại Hắc Thiên hàng phục, trở thành vật cưỡi của ngài.
Trước đây, khu vực Tây Tạng, Mông Cổ và Nepal thường xuyên có sự giao lưu kinh tế, trên con đường du mục cần dựng lều trại, trải qua thời gian không tránh được khí hậu khắc nghiệt, Đại Hắc Thiên trở thành thần canh giữ lều bạt, đây chính là Hộ pháp Bảo trướng hóa thân của ngài.

4. Lý do ngài được tôn thờ

Địa vị thần Hộ pháp của Đại Hắc Thiên trong Phật giáo luôn đứng đầu, trong Mật tông ngài càng được sùng kính hơn. Điều này liên quan mật thiết đến 4 đặc tính, chính là 4 nặng lực bảo vệ chúng sinh của ngài.
Một là, ngài có lực lượng quyến thuộc quỷ thần đông đảo, hơn nữa lại có sở trường ẩn thân bay lượn, khi chiến đấu có thể gia trì những chúng sinh thỉnh cầu ngài, do đó được tôn là chiến thần.
Hai là, ngài có thể bảo vệ chúng sinh và khiến cho cuộc sống của họ luôn no đủ, vì vậy ở nhiều vùng có tục lệ cúng dường ngài trong bếp, thường gọi là thần bếp.
Ba là, ngài cũng là vị thần linh được tín đồ Phật giáo cung phụng trong nghĩa địa, thường bảo vệ phần mộ vọng hồn.
Bốn là, tương truyền ngài và Minh phi Cát Tường Thiên, có thể ban phúc đức cho kẻ bần cùng, vì vậy còn có mỹ danh là thần phúc đức.

Trong đó, đặc tính chiến thần của ngài còn được giai cấp thống trị phong kiến tín phụng. Vào thời nhà Nguyên, Mật tông bắt đầu truyền vào Trung Nguyên, đầu tiên ngài được sự sùng tín của Hốt Tất Liệt, trở thành thần bảo vệ của quân đội Mông Cổ. Khi đi chinh phạt, quân Mông thường mang theo tượng ngài, trước khi đánh trận đều cầu khấn ngài. Tương truyền, quân Mông khi đánh chiếm một tòa thành trì của nhà Tống, tướng sĩ trong thành bỗng nhiên nhìn thấy thiên binh thiên tướng bài binh bố trận la liệt trên trời, thành nhà Tống không đánh mà bại, nói là do Đại Hắc Thiên hiển uy linh.

Nguồn: Hành Giả Kim Cương Thừa