Bổn tôn trong Phật Giáo là vị nào và cách tìm đúng vị bổn tôn để nương tựa?


Nếu ai đang là phật tử cần cân nhắc khị chưa biết bổn tôn mình nương tựa là vị nào hay mình có thể chọn rất nhiều bổn tôn để tâp, bài nãy sẽ chia sẽ bạn những quan điểm cụ thể nhé!

Định Hướng Bổn Tôn (DEITY) 

Chánh Nhân định viết bài này vài ngày trước nhưng ngại mọi người lười đọc nên giữ lại. Sau thấy còn nhiều người quan tâm và cũng nhân kỷ niệm 30 năm ngày Sư Ông Dilgo Khyentse thâu thần thị tịch, Chánh Nhân mạn phép đặt bút viết lại về chủ đề này.

Đây là một bài viết tương đối dài nhưng Chánh Nhân nghĩ sẽ có ích cho mọi người, nhất là cho các hành giả tu theo Mật Thừa. Những gì Chánh Nhân ghi chép ở đây đến từ sự tìm hiểu của cá nhân, từ những lần đi dịch cho Quý Thầy và từ các kinh luận mà Chánh Nhân từng có duyên được đọc qua.

[1] Bổn Tôn là gì?

Nếu hiểu một cách ngắn gọn thì Bổn Tôn là cội nguồn của mọi thành tựu, là Hộ Phật mà người tu có kết nối nhiều đời. Chẳng hạn, Đại sư A Đề Sa quy ngưỡng Thánh Độ Mẫu (Ārya Tārā) hay như Mipham Rinpoche nương tựa vào Văn Thù Bồ Tát (Mañjuśrī). Đây là những dữ kiện mà Chánh Nhân đọc được qua nhiều nguồn sử liệu khác nhau.

Bổn Tôn trong tiếng Tạng gọi là yidam. Chánh Nhân dịch chữ này là 'thánh tâm thể'. Tôn ảnh hoặc tượng của Bổn Tôn là thugdam ten, được dịch là 'thánh tâm bảo'. Chúng ta có thể thấy tiếng Tạng đề cao hai chữ 'thánh tâm' theo cách này hoặc cách khác, để khẳng định Bổn Tôn chính là bản tâm linh thánh vô cùng, hoặc tự tánh trong sáng của người tu.

Thông thường, chúng ta vốn dĩ có thể chứng đạo nhờ nương tựa Bổn Tôn nhưng do nghiệp chướng sâu dày, chúng ta lại tạo nghiệp, lại trôi lăn sinh tử. Tuy vậy, giống như Sư Phụ, Bổn Tôn chưa bao giờ bỏ rơi chúng ta. Dẫu cho chúng ta có xuống địa ngục, Bổn Tôn vẫn đi theo. Vì sao Chánh Nhân khẳng định như thế? Bởi, một lần nữa, chúng ta phải nhớ rằng Bổn Tôn là thánh tâm thể, là tự tánh thanh tịnh, hằng tri hằng giác nơi mình.

[2] Bổn Tôn và Ngũ Độc

Bản thân người tu cần công tâm nhìn nhận thiếu sót của mình để hiểu mình dính mắc với thứ tâm ý nào, với loại Độc nào trong Ngũ Độc - tham, sân, si, mạn và đố. Chỉ có như vậy, chúng ta mới biết mình thuộc về Giác Tộc nào, giống như chúng ta biết mình thiếu gì và cần gì để bổ sung khuyết điểm. Việc này gần như là tối quan trọng. Bởi do hầu hết người tu đều đi tìm cái mình muốn nên ưa bỏ qua điều mình cần, trong khi chính cái điều mình cần mới giúp mình đi lâu dài trong Đạo.

[3] Bổn Tôn và Giác Tộc

Dựa trên nhận biết về Ngũ Độc trong kinh thư, Chánh Nhân bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về Ngũ Trí Như Lai (năm vị Phật Chủ) và rộng hơn là Ngũ Giác Tộc (năm gia tộc tỉnh thức). Mỗi vị Phật Chủ và Giác Tộc của mình đều có thông tin tương ứng như sau:

💍 Đại Nhật Như Lai

- Giác tộc: Như Lai bộ
- Năm màu: Trắng
- Năm phương: Trung ương
- Năm độc: Si mê 
- Năm uẩn: Sắc uẩn
- Năm đại: Không gian 
- Năm trí: Pháp Giới Thể Trí

• Hộ Phật tiêu biểu: Bạch Tán Cái, Ma Lợi Chi;

⚱️ Bảo Sinh Như Lai

- Giác tộc: Bảo bộ
- Năm màu: Vàng
- Năm phương: Nam
- Năm độc: Kiêu mạn
- Năm uẩn: Thọ uẩn
- Năm đại: Đất (Địa đại)
- Năm trí: Bình Đẳng Tánh Trí

• Hộ Phật tiêu biểu: Trì Thế Bồ Tát, Đại Tuỳ Cầu Bồ Tát, Hoàng Tài Bảo Tôn;

🌺 A Di Đà Như Lai

- Giác tộc: Liên Hoa bộ
- Năm màu: Đỏ
- Năm phương: Tây
- Năm độc: Tham luyến
- Năm uẩn: Tưởng uẩn
- Năm đại: Lửa (Hoả đại)
- Năm trí: Diệu Quan Sát Trí

• Hộ Phật tiêu biểu: Vô Lượng Thọ, Quán Thế Âm, Thánh Độ Mẫu, Mã Đầu, Sư Tử Hống, Tác Minh Phật Mẫu;

🍀 Bất Không Thành Tựu Như Lai

- Giác tộc: Yết Ma bộ (Nghiệp bộ)
- Năm màu: Xanh lá
- Năm phương: Bắc
- Năm độc: Đố kỵ
- Năm uẩn: Hành uẩn
- Năm đại: Gió (Phong đại)
- Năm trí: Thành Sở Tác Trí

• Hộ Phật tiêu biểu: Kim Cang Tồi Toái, Diệp Y, Thánh Độ Mẫu, Khổng Tước;

🌀 A Súc Bệ Như Lai

- Giác tộc: Kim Cang bộ
- Năm màu: Xanh dương
- Năm phương: Đông
- Năm độc: Sân giận
- Năm uẩn: Thức uẩn
- Năm đại: Nước (Thuỷ đại)
- Năm trí: Đại Viên Cảnh Trí

• Hộ Phật tiêu biểu: Văn Thù, Kim Cang Thủ, Diệp Y Phật Mẫu, Phổ Ba, Uế Tích, Bất Động Minh Vương, Bát Nhã Phật Mẫu;

Dựa trên Ngũ Độc, chư Phật sẽ xuất hiện phù hợp để 'chuyển hoá' cho chúng ta nếu chúng ta biết nương tựa đúng đắn. Chẳng hạn, người có tâm nặng tham luyến, đam mê nhục dục, đủ các loại dục, chúng ta xác định họ nặng về tâm Tham. Như vậy, A Di Đà Như Lai cùng chư Hộ Phật của Liên Hoa bộ rất phù hợp để họ nương cậy, giúp họ có thể chuyển hoá Tham luyến (Độc), thanh tịnh nguyên tố Lửa (Đại) và Tưởng uẩn (Uẩn) bên trong họ. Sau cùng, họ chứng được Diệu Quan Sát Trí.

Chánh Nhân biết những phạm trù này cũng hơi rối, nhưng buộc phải ghi ra thôi. Chánh Nhân không quen ăn nói nửa vời.

[4] Hướng chọn Bổn Tôn

Chánh Nhân nhớ Choeze Kuchen Rinpoche từng nói rằng chúng ta có thể (1) dựa trên sự cảm mến của chúng ta với một Hộ Phật, hoặc (2) nhờ Sư Phụ chỉ điểm cho chúng ta. Còn theo nhìn nhận của Chánh Nhân thì (3) tự mình thẳng thắn quán chiếu tính khí bản thân. Sư Phụ không phải lúc nào cũng bên cạnh mình. Cảm tính có thể đúng, đôi khi có thể sai. Suy cho cùng, nếu chúng ta không tự biết mình thì ai có thể làm được?

Sẽ có người hỏi bây giờ, mình đầy đủ năm Độc đó thì làm sao? Có ai chỉ mang một loại đâu? Đúng rồi, nhưng trong năm Độc, kiểu gì cũng có một, hoặc hai thứ nổi bật, gần như chi phối các thứ độc còn lại. Cho nên cần nhất vẫn là sự thành thật với bản thân. Đừng nghĩ mình khác biệt! Đừng cho mình là hay! Nhìn thẳng mình còn dở chỗ này, còn kém chỗ kia để mà hoàn thiện, để mà tiến tu.

[5] Lưu ý chọn Bổn Tôn

Chúng ta có xu hướng chọn Bổn Tôn riêng rẽ, chẳng hạn phúc lộc thì Hoàng Tài Bảo, chữa bệnh thì Phật Dược Sư, hay xua trừ chướng ngại thì Liên Hoa Sinh. Người tu Mật hay kẹt chỗ này. Nếu chúng ta chọn riêng rẽ thì khó gặt hái kết quả. Ngày xưa, lúc mới đến Tây Tạng, Đức A Đề Sa có hỏi người Tạng tu những gì? Sau khi nghe họ đang tu rất nhiều Bổn Tôn, Ngài đã cười lớn và nói: 

"Người Ấn chúng tôi chỉ tu có một Tôn mà đắc cả trăm. Còn người Tạng các ông tu cả trăm Tôn mà chẳng chứng được lấy một."

Mipham Rinpoche dù có tu rất nhiều Hộ Phật nhưng chính yếu nhất vẫn chỉ có Văn Thù Bồ Tát, đến mức Ngài đã hợp nhất luôn với Đức Văn Thù. Tôn giả Tịch Thiên cũng thế, đắc pháp Văn Thù để rồi tuyên thuyết đại phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh vô song.

Nay noi gương các bậc Thánh ấy, chúng ta nên tu trì thật chuyên tâm một Hộ Phật, như mũi tên găm thẳng vào đích bằng sự quyết đoán tuyệt đối của cung thủ. Hãy nhớ lời dạy của Đức A Đề Sa, không lo thiếu sót. Nhất pháp tinh, vạn pháp thông.

Người nào đọc đến đây thật là nhẫn nại, chứ Chánh Nhân chắc nửa đường đã nản. Viết cái gì mà dài thế không biết?!...

✍🏼 Chánh Nhân【金宝正仁】cẩn bút
———
Tâm ở Ta Bà vừa khởi niệm,
Phật tại Diệu Hỉ đã tỏ tường.